Kinh tế

Chứng khoán 30/6/2021: Cuối tháng 6, nhà đầu tư liên tục gặp "ảo giác"

Thị trướng chứng khoán hôm nay chứng kiến dòng tiền nhỏ giọt và bị thu hẹp mạnh.

Đóng lại phiên giao dịch cuối tháng 6, VN-Index đóng cửa giảm 1,49 điểm (0,11%) xuống 1.408,55 điểm; HNX-Index giảm 0,15% xuống 323,32 điểm và UPCom-Index giảm 0,06% xuống 90,25 điểm.

Khối lượng cổ phiếu khớp trên sàn HOSE là 595.285.664 cổ phiếu, giá trị giao dịch (thanh khoản) đạt 21.055 tỷ đồng. Toàn sàn có 139 mã tăng, 233 mã giảm trong đó có 6 mã giảm sàn.

Giao dịch khối ngoại là điểm sáng khi họ mua ròng hơn 1.750 tỷ đồng trên toàn thị trường.

Đáng chú ý, khối ngoại mua ròng mạnh mẽ NVL với giá trị 1.507 tỷ đồng thông qua giao dịch thỏa thuận chỉ trong sáng nay. Trong đó, nổi bật là một lệnh mua thỏa thuận gần 13 triệu cổ phiếu NVL tại mức giá 121.000 đồng/cổ phiếu.

Chứng khoán 30/6/2021: Cuối tháng 6, nhà đầu tư liên tục gặp "ảo giác"

Nhiều cổ phiếu giảm giá dù chỉ số vẫn tăng điểm (Ảnh minh họa).

Trái ngược với VN30-Index, chỉ số của những mã cổ phiếu vốn hóa nhỏ và vừa lại điều chỉnh. VNMID-Index giảm 2,96 điểm tương ứng 0,17%; VNSML-Index giảm 3,01 điểm tương ứng 0,22%.

VCB, VIC, VPB, BID, MWG, MSN tăng nhẹ nhưng không đủ để giữ sắc xanh cho thị trường.

 

Điểm sáng duy nhất là VCB và VIC phô diễn "cơ bắp", đóng góp điểm số tăng nhiều nhất cho VN-Index.

Thị trường đang cho thấy sự phân hóa nhất định. Dòng tiền vẫn chỉ tập trung tại một số mã cổ phiếu nhất định và không có sự lan tỏa.

Điều này lý giải cho việc vì sao hầu hết nhà đầu tư vẫn bị thiệt hại, giá trị tài khoản vẫn bị sụt giảm trong khi chỉ số của thị trường tăng.

Lưu ý nhỏ với các nhà đầu tư cá nhân, dự đoán thị trường tháng 7 còn triển vọng, tuy nhiên, những rủi ro tạm thời sẽ khiến tâm lý nhà đầu tư bị dao động dẫn đến những quyết sách sai lầm.

Mỹ bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ, Fed đang tiếp tục mua các tài sản như trái phiếu và các khoản nợ với giá trị 120 tỷ USD/tháng và tiến tới năm 2023 sẽ không mua và tăng lãi suất. Điều này sẽ khiến dòng vốn đầu tư thị trường mới nổi bị sụt giảm.

Thứ 2, lạm phát tăng khiến lãi suất ngân hàng có xu hướng tăng mạnh.

Thứ 3, là biên lợi nhuận của các doanh nghiệp bắt đầu co lại ảnh hưởng đến giá chứng khoán.

Thứ 4 là thuế. Mỹ đã tính đến chuyện tăng mạnh thuế thu nhập doanh nghiệp lên 21%, điều này tác động rất lớn đến thị trường chứng khoán nói chung.

Ngoài ra, tâm lý đầu tư tại Việt Nam là điều đáng lo ngại. Các nhà đầu tư nhỏ lẻ, thiếu tính chuyên nghiệp, bị ảnh hưởng "trend" mua cổ phiếu dẫn đến phản ứng thái quá với thị trường.

Theo Người đưa tin

Nguồn : Người Đưa Tin