Xã hội

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân cùng những bức tranh và hành trình vượt lên nghịch cảnh

Được độc giả cả nước nhớ mặt, biết tên với nhiều vệt phóng sự dài kì, hấp dẫn, phản ánh trần trụi nhiều hiện thực của đời sống, hẳn nhiều người không còn xa lạ với cái tên nhà báo Huỳnh Dũng Nhân. Sau thời gian dài cống hiến, ông không may mắc phải căn bệnh tai biến nguy hiểm. Tuy vậy, bằng ý trí, nghị lực của mình, ông vẫn tiếp tục sáng tác và cho ra đời những "đứa con hội họa" mang màu sắc lạc quan giàu sức sống.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân cùng những bức tranh và hành trình vượt lên nghịch cảnh

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân với triển lãm “Nhà báo vẽ nhà báo”

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, nguyên ủy viên Ban chấp hành, nguyên phó ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam (khóa 8 – 9), Phó chủ tịch Hội nhà báo thành phố Hồ chí Minh, tổng biên tập tạp chí nghề báo, giảng viên báo chí ở một số cơ sở đào tạo báo chí trong nước. Ông nổi bật nhất ở trong mảng phóng sự, bên cạnh đó ông còn viết về nhiều mảng đề tài mới: Truyện thiếu nhi, tản văn, giáo trình, thơ, kí…

Như một cơ duyên

Vào một buổi triển lãm “Nhà báo vẽ” tôi có cơ hội được trò chuyện cùng Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân - một nhà báo tâm huyết và tài năng. Hồi nhỏ, ông thích vẽ, tuy nhiên những tất bật của nghề báo và dòng chảy thời sự hối hả cuốn ông đi. Phải đến dạo gần đây, khi một biến cố bất ngờ xảy ra, ông mới trở lại với cọ vẽ, bảng màu.

Ngày 01/4/2021, dư luận một phen bàng hoàng trước thông tin Huỳnh Dũng Nhân bị tai biến và phải điều trị tích cực tại bệnh viện Bạch Mai. Trong thời gian dưỡng bệnh, ông lại tìm nguồn cảm hứng từ “một trong ba ước mơ hồi nhỏ” ông bắt đầu vẽ… Một phần cũng do dịch bênh Covid-19 kéo dài nên đã khơi dậy và thổi bùng ngọn lửa “nhà báo vẽ” để chống lại nỗi buồn, không làm việc xấu, không tiêu cực, không nói linh tinh, luôn sống lạc quan tích cực, lấy việc vẽ tranh để giải streets. “Từ hồi học tiểu học, có học vẽ quần chúng, học cầm cọ pha màu, chứ chưa có vẽ chân dung". Hơn 50 năm sau đó ông làm báo ít khi vẽ, chủ yếu làm về bên mảng báo tường, sáng tác thơ ca. Tất cả đều xuất phát từ đam mê. "Tôi cứ miệt mài vẽ, đầu tiên vẽ tĩnh vật, vẽ con mèo,… rồi chuyển sang vẽ chân dung. Được sự ủng hộ và ghi nhận của mọi người, nên tôi lấy đó là niềm tin". Ông neo mình vào đấy để nhận ra hình hài giữa thế gian, động lực ấy thôi thúc con người nửa đời lăn lộn với con chữ tiếp tục cố gắng.

Những bức tranh tại buổi triển lãm hôm nay của ông có sự hậu thuẫn, động viên to lớn của nhà thiết kế Minh Hạnh. “Chính cô ấy động viên tôi và tài trợ cho sự kiện này. Cô ấy cũng lấy những bức tranh cổ động về chủ đề phòng chống dịch của tôi làm họa tiết trên mẫu áo dài” – Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân chia sẻ thêm: “Tôi thích vẽ chân dung, vì khi vẽ sẽ gợi nhớ những kỉ niệm, những tình cảm của nhân vật đó”. Bức tranh ông thích vẽ nhất, dễ vẽ nhất là tranh về Bác. Nghỉ hưu từ năm 2015, Huỳnh Dũng Nhân vẫn say mê làm thơ, in sách, viết báo, viết văn, giảng dạy trực tuyến và đặc biệt, khoảng một năm trở lại đây, “người nghệ sĩ nghiệp dư” này tích cực vẽ tranh áp phích tuyên truyền chống dịch. Với một nhà báo, cây bút là sức mạnh. Ông cho rằng, “Khi đôi mắt đôi tay còn cảm nhận được sự biến đổi của tạo hóa là cả một niềm may mắn, nên phải tận hưởng và lao động đến say mê cùng những đặc ân đó”.

Hành trình cố gắng

Sau đợt tai biến hồi tháng 4/2021, dù đã bước một chân vào cửa tử, tuy nhiên với bản lĩnh kiên cường cùng sự nỗ lực vốn có, sau 3 tháng hồi sức tích cực ông dần khỏe mạnh và lúc này niềm đam mê bất tận với hội họa ùa về. Không nhiều người bị tai biến, liệt một bên tay mà lại có thể làm việc miệt mài, thành tựu được như nhà báo Huỳnh Dũng Nhân. Một ngày ông có thể vẽ được 4, 5 bức tranh. Tất nhiên ông không dám và chưa bao giờ dám nhận mình là một họa sĩ chuyên nghiệp. Ông chỉ muốn ghi lại cái "thần thái" của đối tượng. Trên hành trình ấy, cũng có lời khen ngợi, sự góp ý, nhiều lúc còn bị "chê". Tuy nhiên theo ông, việc cảm thụ một bức vẽ khác với việc xem một tấm ảnh chụp. "Không thể đòi hỏi giống hoàn toàn, vẽ tranh và thưởng tranh cốt là nắm bắt được cái "thần", lột tả được "cốt cách" của nhân vật, đối tượng". Bởi vậy, mỗi bức tranh của ông đều chứa đựng những câu chuyện riêng tạo nên một dấu ấn đặc biệt. Một cơ duyên may mắn cộng với sự cố gắng vượt lên chính mình, vượt lên hoàn cảnh hiểm nghèo và tinh thần tự lực, tự cường của Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã viết lên câu chuyện ý nghĩa trên chuyến hành trình có phần gian nan ấy. Ông luôn tâm niệm: “Khi bạn sắp gục ngã, bạn có thể bước thêm một bước nữa". Bước chân ấy giúp bạn khỏi ngã, nhưng cũng tiếp thêm động lực cho chặng đường dài gian nan.

 Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân cùng những bức tranh và hành trình vượt lên nghịch cảnh - 1

Góc trưng bày những tác phẩm được trưng bày tại triển lãm.

Đến thành quả - Sự ghi nhận

Các tác phẩm của Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đều mang một nét riêng và để lại dấu ấn trong lòng độc giả. Chỉ trong vài tháng, ông đã hoàn thành khoảng 400 bức tranh chân dung cùng hàng loạt tranh cổ động phòng chống dịch, đặc biệt là tranh về bộ đội chống dịch, đã được nhà thiết kế Minh Hạnh lựa chọn làm họa tiết trên mẫu áo dài truyền thống của Việt Nam.

Một hướng đi có phần "lạ", "mới mẻ" mà theo lời tác giả: "Họa sĩ liều mạng vẽ, nhà thiết kế với ý tưởng táo bạo. Hai sự khác người ấy gặp nhau và những sản phẩm độc đáo hôm nay là kết quả của sự gặp gỡ đầy bất ngờ đó. Ông cũng là người duy nhất đưa vào tranh vẽ những hình ảnh về lực lượng quân đội tham gia chống dịch tại Tp Hồ Chí Minh. Có lẽ người họa sĩ nghiệp dư ấy, trong một phút giây giao cảm, đồng điệu, ông đã xúc động. Thế là những người lính của quân đội nhân dân đã từ đời thường bước lên trang giấy: Gần gũi và oai phong, vẻ vang mà dung dị. ông đã tự coi mình là một người chiến sĩ trên mặt trận đẩy lùi dịch bệnh, vũ khí của ông là cọ vẽ, bảng màu... Những bức tranh áp phích mang tính chất cổ động phòng chống Covid lại được ông “thổi hồn”, tạo tác, lan tỏa thông điệp nhân văn cùng với sự đoàn kết, kiên định sẽ dập tan Covid vào một ngày không xa.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân cùng những bức tranh và hành trình vượt lên nghịch cảnh - 2

Một số bức họa trong hành trình đi và viết của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân. 

“Thời gian một chiều, đi mãi rồi cũng hết. Đi, yêu và viết. Không có gì ngoài cả cuộc đời”. Trên hành trình "hút mật tháng 3” ông đã hạnh ngộ nhiều điều ý nghĩa. Với quan niệm “Cách li dịch nhưng không cách ly bút”, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã đem đến cho công chúng một buổi triển lãm đậm chất nghệ thuật. Nó thắp lên trong con người ấy niềm đam mê sáng tạo, đam mê với nghệ thuật, hội họa, thơ ca, đam mê với con chữ, vừa là niềm vui, vừa để thấy mình không lạc lõng giữa cuộc đời biến động này ("Một ngày không làm việc là một ngày bỏ đi"). Bên cạnh việc cầm cọ vẽ, ông cũng sáng tác thơ (có bài thơ đã được phổ nhạc), viết sách, làm báo, viết chia sẻ trên Facebook cá nhân bởi theo ông, "Facebook là một nhà xuất bản lớn, là nơi kết nối, giao lưu với công chúng, bạn bè". Chính ông cũng thừa nhận mình "ghiền" facebook…

Là nhà báo nổi tiếng của Việt Nam chuyên viết phóng sự, mấy mươi năm cầm bút, đời ông trước tác đã nhiều. Và có lẽ, cũng là một cơ duyên tình cờ đưa ông tới cánh cửa hội họa - một hành trình mới với biết bao trải nghiệm đang chờ đón. Chắc chắn rồi đây, vào một ngày không xa, những bức tranh của người nghệ sĩ “nghiệp dư” ấy sẽ còn gây thương nhớ, làm sống dậy những cung bậc cảm xúc thẳm sâu nhất trong tâm hồn công chúng cả nước.

Phạm Cẩn - Bích Ngọc

Nguồn :