Xã hội

Xử lý phương tiện giao thông gây ô nhiễm: Câu chuyện chưa hồi kết?

Câu chuyện xử lý các phương tiện tham gia giao thông gây ô nhiễm môi trường đã được cơ quan chức năng bàn bạc từ rất nhiều năm qua, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả

Đề nghị xử lý từ nhiều năm trước…

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Trọng Đông đã có văn bản số 53/UBND-ĐT về việc triển khai các biện pháp cải thiện chỉ số chất lượng không khí (AQI) trên địa bàn Thành phố. Trong đó thời gian tới sẽ giao Công an Thành phố tăng cường phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm tra, rà soát, xử lý các phương tiện giao thông xả khói đen; phương tiện cơ giới quá niên hạn sử dụng. Trong đó tập trung vào các phương tiện sử dụng nhiên liệu dầu diesel. Xử lý các phương tiện không đảm bảo che chắn gây ô nhiễm môi trường, cuốn đất đá trên đường.

Theo ghi nhận của phóng viên tạp chí Đời sống và Pháp luật, trên các phố tuyến phố thuộc địa bàn Hà Nội, không khó bắt gặp những chiếc xe máy cũ nát, không biển số, không đèn chiếu sáng, đèn xi-nhan, gương... vẫn được sử dụng và lưu thông trên đường khá nhiều. Ngoài ra, có không ít các xe buýt, xe ô tô con, xe tải với tuổi đời cao, xả khói đen khi tham gia giao thông. Dễ thấy các phương tiện này nhất là ở các chợ dân sinh trong mọi ngõ ngách của Hà Nội, hàng chục chiếc xe máy cũ nát, hoen gỉ, nhiều linh kiện tự chế dựng ngổn ngang thành hàng dài.

Ở những con phố Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Trãi,…những chiếc “xe trâu” được chủ nhân của nó gia cố thêm giảm sóc để có thể chở được vài tạ hàng, gấp nhiều lần trọng lượng của một chiếc xe gắn máy. Nhiều chiếc xe chở những cây sắt dài gần chục mét, vật liệu xây dựng hay những vật dụng cồng kềnh khác nghênh ngang trên đường phố mà không có bất cứ biện pháp bảo đảm an toàn nào.

Những người điều khiển những chiếc phương tiện chở hàng cồng kềnh này đã trở thành nỗi ám ảnh của người tham gia giao thông. Tuy nhiên, việc loại bỏ những chiếc xe này đến nay vẫn bế tắc bởi chúng gắn liền với người lao động phổ thông, là phương tiện mưu sinh, là miếng cơm manh áo hằng ngày của họ và gia đình.

Hay như Đê La Thành – con đường nổi tiếng với đường nhỏ, xe nhiều, nhiều nhất là xe không biển, xe ba gác, được trưng dụng để chở hàng. Những chiếc xe máy có “tuổi thọ” hàng chục năm, rệu rã, hư hỏng, nhiều bộ phận và được “độ” thêm các giá đỡ hàng để chuyên chở các sản phẩm nội thất. Tuyến đường này xuất hiện nhiều xe máy cũ nát lưu thông, nhả khói đen kịt, kèm theo tiếng nổ lớn đinh tai nhức óc.

Xử lý phương tiện giao thông gây ô nhiễm: Câu chuyện chưa hồi kết?

Những chiếc xe cũ nát không hiếm gặp ở TP.Hà Nội.

Trước đó, từ 1/7/2018 đến 31/12/2019, Hà Nội cho biết, sẽ tiến hành thực hiện kiểm tra khí thải đối với xe môtô loại có dung tích xylanh từ 175 cm3 trở lên, thu hồi, loại bỏ đối với những phương tiện cũ nát, không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn khí thải. Sau năm 2020, sẽ tổ chức kiểm tra, đánh giá, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện căn cứ vào điều kiện thực tế nghiên cứu.

Đến tháng 9/2020, với mục đích giảm thiểu ô nhiễm môi trường, sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã đề xuất UBND Thành phố Hà Nội giao Sở chủ trì chương trình Nghiên cứu thí điểm đo kiểm khí thải và hỗ trợ đổi xe môtô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn thành phố. Thời gian triển khai chương trình dự kiến trong 3 tháng, với khoảng 5.000 mô-tô, xe máy được đo kiểm khí thải. Tuy nhiên, đến nay chương trình này vẫn chưa được triển khai.

Chưa có văn bản xử lý cụ thể

 

Trao đổi với PV, Thiếu tá Nguyễn Minh Đức - Phó Đội trưởng đội CSGT số 7 (Công an TP.Hà Nội) - cho  biết, mặc dù lực lượng chức năng vẫn thường xuyên tăng cường kiểm tra, xử lý và thu hồi các xe máy cũ nát, không có giấy tờ xe, đăng ký. Tuy nhiên, với những xe máy cũ nát lưu thông trên đường vẫn có giấy tờ xe đầy đủ thì lực lượng chức năng khó xử lý. Bởi hiện nay, chỉ có xe ô tô mới có hạn đăng kiểm, kiểm định định kỳ.

“Xe máy không quy định phải có thời hạn đăng kiểm, không kiểm tra an toàn kỹ thuật. Về môi trường thì cần có cơ quan chức năng, các nhà chuyên môn thì mới có thể kiểm tra chứ lực lượng CSGT không thể kiểm tra được. Nếu muốn thu hồi xe máy cũ nát thì cần phải có văn bản chính thức về niên hạn sử dụng xe, những xe nào bị thu hồi thì chúng tôi mới có thể xử lý được”, Thiếu tá Đức thông tin.

Vì chưa có văn bản pháp luật quy định về niên hạn sử dụng với xe mô tô, xe gắn máy nên các lực lượng chức năng rất khó có thể xử lý. Chính vì thế, nhiều đơn vị cũng yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần ban hành văn bản quy định cụ thể về thời hạn sử dụng hoặc gây ô nhiễm môi trường đến mức độ nào sẽ bị thu hồi.

Xử lý phương tiện giao thông gây ô nhiễm: Câu chuyện chưa hồi kết? - 1

Mặc dù ra quân mạnh mẽ, nhưng quy định về xe cũ nát vi phạm luật vẫn mơ hồ.

Đồng quan điểm, Thiếu tá Phạm Văn Chiến - Đội trưởng đội CSGT số 6 (Phòng CSGT Công an TP.Hà Nội)  cho biết, căn cứ theo luật Giao thông đường bộ, hiện nay các đơn vị chức năng vẫn tăng cường ra quân, xử lý người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, hiện chưa có quy định nào yêu cầu niên hạn sử dụng đối với mô tô, xe gắn máy. Vì vậy, không có căn cứ, cơ sở pháp lý để xử lý, thu hồi phương tiện.

Thiếu tá Chiến thông tin, ngoài các biện pháp mạnh như xử phạt, thu hồi xe về bãi xe vi phạm khi xe không có giấy tờ, lực lượng cảnh sát giao thông còn tập trung nhắc nhở, tuyên truyền để người tham gia giao thông không sử dụng xe cũ nát để bảo đảm an toàn giao thông cho bản thân và người đi đường; đồng thời tránh gây ô nhiễm môi trường.

Ông Nguyễn Văn Phương - Phó trưởng phòng Chất lượng xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam) cũng cho biết, việc quản lý xe máy cũ nát liên quan đến quyền sở hữu tài sản nên gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về pháp lý khi thu hồi. Giải pháp để loại bỏ xe máy cũ nát trong giai đoạn hiện nay là Nhà nước, nhà sản xuất và người dân cùng vào cuộc. Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ để nhà sản xuất thu hồi xe cũ và đổi xe máy mới cho người dân.

Bên cạnh đó, nhà nước cần kiểm soát chặt điều kiện lưu hành của phương tiện, như: tăng cường kiểm tra, xử lý xe cũ nát vi phạm điều kiện tham gia giao thông sẽ góp phần ngăn ngừa xe cũ nát không an toàn, gây ô nhiễm môi trường.

Trước đó, bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) đã có Văn bản 7442/BTNMT-TCMT gửi các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí và xử lý triệt để điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải. Đối với 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, Bộ yêu cầu đẩy nhanh việc ban hành và thực hiện kế hoạch phát triển hệ thống giao thông công cộng, ưu tiên phương tiện sử dụng năng lượng sạch, không phát thải. Thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành gây ô nhiễm môi trường trong thành phố; phát triển giao thông phi cơ giới...

Quy định mơ hồ

Ông Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch tại Việt Nam - cho rằng, Hà Nội và TPHCM đều đông dân cư, nhiều xe cộ. Việc kiểm soát tiêu chuẩn khí thải của các loại phương tiện chính là nhằm mục đích cải thiện môi trường, hạn chế tối đa tình trạng ô nhiễm.

Ðầu tiên Nhà nước phải có những quy định cụ thể, xe máy niên hạn bao nhiêu năm mới được lưu thông trên đường. Tiếp đến cần có quy định chế độ bảo dưỡng định kỳ, quy chuẩn của xe máy lưu hành. “Chứ nếu cứ chỉ có văn bản chỉ đạo xử lý, nhưng không có quy định cụ thể xử lý như thế nào thì rất làm khó cho lực lượng xử lý. Hơn nữa, người dân cũng không biết phương tiện mình đang đi có phù hợp với quy định Nhà nước đưa ra hay không”, ông Tùng cho hay.

Đồng quan điểm, nguyên ĐBQH Bùi Thị An cho biết, đây không phải lần đầu tiên TP.Hà Nội đề xuất vấn đề này. Mặc dù là một sáng kiến hay, người dân sẽ vô cùng ủng hộ, vì đây là một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng trực tiếp đến họ. Tuy nhiên, nói dai sẽ trở thành nói dại, khi TP.Hà Nội đưa ra rất nhiều văn bản đề nghị xử lý, nhưng xử lý như thế nào, ai sẽ là người xử lý, quy định cụ thể ra sao vẫn là dấu chấm hỏi bỏ ngỏ chưa có lời giải đáp.

Xử lý phương tiện giao thông gây ô nhiễm: Câu chuyện chưa hồi kết? - 2

Nguyên ĐBQH Bùi Thị An.

Theo tính toán, xe máy đang lưu hành hiện nay chiếm 95% về số lượng, chỉ tiêu thụ 56% xăng (không tính diesel), nhưng lại thải ra cỡ 94% khí thải HC; 87% khí thải CO; 57% khí thải NOx và 33% lượng bụi PM10 trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ giới. Đây là một con số khá lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường không khí, dẫn đến việc ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng tại Hà Nội.

Xét về mặt thực tế số lượng người dân sử dụng xe máy ở Hà Nội khá lớn, kiểm soát, kiểm định, thu hồi như thế nào là một bài toán khó. Cần có lộ trình rõ ràng, cụ thể, cụ thể từng chi tiết.

“Lấy ví dụ như những ngày này khi không khí lạnh tràn về, ô nhiễm không khí trên toàn địa bàn TP.Hà Nội ở mức “Rất xấu”, nhiều người ra đường trong trạng thái lo sợ về sức khỏe. Ấy vậy mà, cơ quan chức năng có cảnh báo, có khuyến cáo, nhưng đó chỉ là những biện pháp ngắn hạn, nhưng biện pháp lâu dài vẫn chỉ nằm trên giấy mà chưa được triển khai thế nào. Chính vì thế, là một người dân, tôi cũng hy vọng các cơ quan chức năng sớm đưa ra những quy định cụ thể để vấn đề này được giải quyết dứt điểm”, bà An đề nghị.

Ông Nguyễn Văn Thạch - Vụ trưởng vụ An toàn giao thông (bộ GTVT) - cho rằng, luật Giao thông đường bộ chưa có quy định về việc thu hồi, nhưng Dự thảo sửa đổi luật này đã bổ sung đưa vào để thuận tiện cho việc triển khai thực hiện. Tuy nhiên, ngay cả khi luật Giao thông đường bộ chưa quy định thì vẫn có thể dựa vào luật Tài nguyên môi trường để thu hồi những xe máy cũ nát có hàm lượng khí thải cao.

Theo sở TN&MT Hà Nội, hiện nay Thủ đô hiện có hơn 5,7 triệu xe máy (trong đó có khoảng 2,5 triệu xe máy cũ, đăng ký trước năm 2000) và trên 730 nghìn ô tô, chưa kể các phương tiện từ ngoại tỉnh thường xuyên tham gia giao thông trên địa bàn thành phố.

Khí thải từ các phương tiện này gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng môi trường không khí đô thị và là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người dân Thủ đô.

P.V Tổng hợp

Nguồn : Người Đưa Tin