![]() |
Một hộp sữa giả trong vụ án. Ảnh: VTV. |
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) vừa phanh phui một vụ án nghiêm trọng liên quan việc sản xuất và buôn bán sữa giả, gây xôn xao dư luận. Tâm điểm vụ án là Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group. Hai đơn vị này bị cáo buộc sản xuất gần 600 nhãn hàng sữa giả dành cho người tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ mang thai.
Hiện, cơ quan công an khởi tố, bắt tạm giam 8 bị can với các tội danh “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm” và “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.
Diễn viên, bác sĩ trong video quảng cáo sữa giả
Trên kênh YouTube "Tập đoàn Dược Quốc tế", một đoạn video dài gần 7 phút từng được phát sóng như một lời khẳng định về uy tín của Công ty Hacofood Group. Video giới thiệu hoành tráng loạt sản phẩm như sữa dinh dưỡng Talacmum, The Empire, Kawai, Darifa Gold, Kasumi… Không chỉ vậy, công ty này cũng tuyên bố sản lượng hơn 5 triệu lon mỗi năm.
Đáng chú ý là PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cũng xuất hiện trong video này. Theo Vietnamnet, trong video này, bà Lâm đánh giá rất cao Công ty Hacofood và nhấn mạnh "đây là nhà máy đạt tiêu chuẩn nghiêm ngặt về quản lý an toàn trong sản xuất thực phẩm theo tiêu chuẩn của FDA Mỹ".
"Điều này minh chứng rằng khi chúng ta sử dụng các sản phẩm sản xuất bởi Hacofood thì các mẹ cũng rất yên tâm là đã đạt được tiêu chí rất nghiêm ngặt, khắt khe của FDA Mỹ", PGS Lâm nói trong clip.
![]() |
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, xuất hiện trong video quảng cáo trên kênh YouTube "Tập đoàn Dược Quốc tế". Ảnh: Vietnamnet. |
Trong một clip quảng cáo khác của công ty này, bác sĩ Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cũng xuất hiện với vai trò giới thiệu sữa Talacmum.
Theo bác sĩ Hải, sản phẩm được nghiên cứu và sản xuất tại Công ty Dược phẩm dinh dưỡng Hacofood và được phân phối độc quyền bởi Tập đoàn Dược quốc tế. Đây là một trong những thương hiệu nổi tiếng tại thị trường Việt Nam hiện có 11 năm kinh nghiệm cho các sản phẩm sữa cho mẹ và bé, có mặt hầu hết ở tất cả bệnh viện, phòng khám hoặc cửa hàng sữa trên toàn quốc…
Trong quảng cáo cho sữa Talacmum, bà Hải cũng khẳng định nguyên liệu, sản phẩm được nhập khẩu 100% từ Hà Lan và nhiều quốc gia khác, công đoạn sản xuất trên dây chuyền hiện đại, tiên tiến, khép kín…
Bà Hải cho biết sữa Talacmum bổ sung chiết xuất tổ yến cao cấp nhập khẩu từ Nhật Bản hay đông trùng hạ thảo. Talacmum gây ấn tượng với người tiêu dùng bởi công dụng tuyệt vời mà loại sữa này mang lại, đảm bảo cung cấp nguồn năng lượng dồi dào, giá trị dinh dưỡng cao, dùng được cho cả trẻ em và người lớn, tăng cường thể lực, sức đề kháng cơ thể, phục hồi sức khỏe một cách tối ưu.
Một người được giới thiệu là TS.BS Đinh Ngọc Hoa, chuyên khoa Nhi, Bệnh viện Xanh Pôn, cũng xuất hiện trong đoạn clip quảng cáo sản phẩm Kawai Lactose Free First Infant.
Người này mặc áo blouse trắng, khuyến nghị phụ huynh sử dụng sản phẩm để điều trị các tình trạng như biếng ăn, tiêu hóa kém, bất dung nạp đường lactose...
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Long, Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn, cho hay hiện trong danh sách nhân sự tại bệnh viện không có tên bà Đinh Ngọc Hoa.
Theo ông Long, trước đây, tại khoa Nhi có bác sĩ Ngọc Hoa nhưng bà đã nghỉ hưu khoảng 10 năm nay.
Ngoài những người được giới thiệu là bác sĩ như trên, kênh YouTube "Tập đoàn Dược Quốc tế" còn mời một số người nổi tiếng là các diễn viên để quảng cáo như Huyền Lizzie, Thanh Hương.
Trong các video quảng cáo của Công ty CP Dược quốc tế Ranse Pharma, diễn viên Doãn Quốc Đam, MC Hoàng Linh cũng dành nhiều lời có cánh cho dòng sữa Cilonmum. BTV Quang Minh, Vân Hugo cũng được nhắc đến do tham gia quảng cáo cho dòng sữa HIUP - dòng sản phẩm bị phạt do vi phạm về quảng cáo.
Chuyên gia xuất hiện trong video quảng cáo nói gì?
Cũng theo Tri Thức - Znews, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm khẳng định bà "hoàn toàn không tham gia" vào quá trình sản xuất cũng như không phải người của công ty.
"Tôi được một công ty truyền thông mời, không làm việc trực tiếp với nhà máy. Khi đó, họ cung cấp đầy đủ giấy tờ như chứng nhận của FDA Mỹ, giấy chứng nhận thực hành sản xuất tốt (GMP) do Cục An toàn Thực phẩm cấp và chứng nhận cơ sở đạt tiêu chuẩn về sản xuất an toàn thực phẩm", bà Lâm cho biết.
PGS.TS Lâm cũng cho hay từng đến thăm nhà máy và nhận thấy điều kiện vệ sinh đạt yêu cầu, máy móc nhập khẩu từ Đức, nhà máy thiết kế một chiều, thông khí tốt. Tuy nhiên, sau sự việc, bà cho biết đơn vị truyền thông không gửi cho bà bản video quảng cáo được đăng trên Youtube để xem lại.
Trước thông tin về việc hàng trăm loại sữa bị làm giả, bà Lâm bày tỏ sự sửng sốt.
"Thực sự, các bác sĩ đã bị lợi dụng. Nếu biết trước, tôi không bao giờ nhận lời và tư vấn cho họ rằng chất lượng sản phẩm phải là ưu tiên hàng đầu", PGS Lâm phân trần.
Theo bà, nhà máy có thể đã có đầy đủ giấy tờ lúc ban đầu, nhưng trong khâu thực hành sản xuất lại buông lỏng kiểm soát chất lượng.
"Lỗi nằm ở khâu sản xuất. Đáng lẽ mỗi lô hàng phải được kiểm nghiệm kỹ lưỡng để đảm bảo các thành phần dinh dưỡng đúng như trên nhãn mác, nhưng họ lại làm sơ sài. Khi công bố sản phẩm, thiếu kiểm nghiệm các chỉ tiêu, dẫn đến không đạt chuẩn", bà Lâm nói.
Trước đó, ngày 12/4, Bộ Công an khởi tố vụ án, bắt tạm giam 8 bị can để điều tra về hai tội danh “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm” và “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo điều tra ban đầu, từ tháng 8/2021, nhận thấy nhu cầu tăng cao đối với các sản phẩm dinh dưỡng, nhóm đối tượng do Vũ Mạnh Cường và Hoàng Mạnh Hà cầm đầu đã thành lập Công ty Rance Pharma (khu nhà ở Him Lam, Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội) và Công ty Hacofood Group (LK52-10, Khu đô thị mới Phú Lương, phường Phú Lương, Hà Đông) để sản xuất, tiêu thụ sữa bột giả.
Đến nay, nhóm này đã sản xuất 573 nhãn hiệu sữa bột, trong đó có các loại dành cho người tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ mang thai. Trên bao bì, sản phẩm ghi chứa chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột óc chó... nhưng thực tế hoàn toàn không có các thành phần này.
Cơ quan công an xác định các bị can đã thay đổi nguyên liệu đầu vào, thêm phụ gia và sản phẩm có chỉ tiêu chất lượng một số chất chỉ đạt dưới 70% so với mức công bố, đủ căn cứ xác định là hàng giả.