Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều
Email: thanhnienthudo.vn@gmail.com
Hotline: 0912933222

Trấn Thành thành công không dễ dàng

Bên cạnh những bộ phim thành công và gây được tiếng vang với công chúng, nhiều tác phẩm rơi vào thua lỗ. Điều này cho thấy sự khắc nghiệt của thị trường công nghiệp văn hóa.
Tran thanh anh 1

Tạo hình Trấn Thành trong Bộ tứ báo thủ. Ảnh: TT Town

Mặc dù vướng vào nhiều tranh cãi về chất lượng, các bộ phim của Trấn Thành vẫn là minh chứng cho tiềm năng của thị trường điện ảnh Việt Nam. Tính đến tháng 2/2025, bốn tác phẩm Bố già, Nhà bà Nữ, Mai và Bộ tứ báo thủ đã đạt tổng doanh thu phòng vé trong nước hơn 1.700 tỷ đồng.

Trái ngược với con số ấn tượng trên, nhiều phim Việt rơi vào thua lỗ nặng. Theo TS Nguyễn Quý Phương - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Trung tâm hội chợ triển lãm Việt Nam - thành công của Trấn Thành tại thị trường điện ảnh trong nước không phải điều dễ dàng. Rủi ro để một cá nhân đầu tư vào điện ảnh nói riêng và ngành công nghiệp văn hóa nói chung rất lớn.

Sự cần thiết của những nguồn lực xã hội

Tại sự kiện ra mắt cuốn sách Chọn cho hay chọn bỏ: Thị trường văn hóa Trung Quốc trong kỷ nguyên toàn cầu hóa sáng ngày 27/3, các diễn giả nhận định để ngành công nghiệp văn hóa phát triển, nguồn nhân lực trẻ trung, năng động sáng tạo là yếu tố cần thiết. Tuy nhiên, để một nghệ sĩ trẻ đầu tư làm được những tác phẩm lớn, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, không phải là điều dễ dàng.

TS Nguyễn Quý Phương nhận định: “Không phải ai cũng có thể đạt được thành công như Trấn Thành, nhiều người trước đó đã dấn thân, dốc tiền túi vào làm nghệ thuật nhưng thất bại. Doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các startup trẻ, phải đối mặt với rủi ro cao khi đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp văn hóa”.

Tran thanh anh 2

Cuốn sách Chọn cho hay chọn bỏ. Ảnh: Đức Huy.

TS Quý Phương cũng cho biết ngành công nghiệp văn hóa đòi hỏi nguồn vốn lớn và kinh nghiệm chuyên môn sâu rộng, nhiều doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn và thiếu kinh nghiệm quản lý, vận hành.

Trước thực trạng đó, các chuyên gia đề xuất về sử dụng các quỹ để hỗ trợ những dự án văn hóa có tiềm năng kinh tế. Đặc biệt, quỹ này có thể được hình thành nhờ nguồn tài trợ của tư nhân (các tập đoàn đầu tư đa ngành) cũng như phía Nhà nước.

Ths Đỗ Quang Minh - chuyên viên Vụ Kế hoạch, Tài chính (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) - cho biết để thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp văn hóa, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa khu vực công và tư.

Nhà nước đóng vai trò định hướng, tạo môi trường pháp lý thuận lợi và hỗ trợ tài chính, trong khi khu vực tư nhân đóng vai trò chủ động đầu tư và phát triển sản phẩm, dịch vụ văn hóa. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng văn hóa, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng thương hiệu văn hóa và ứng dụng công nghệ hiện đại là những mục tiêu lớn đòi hỏi sự tham gia của nhiều bên.

“Các quốc gia như Hàn Quốc và Trung Quốc đã thành công trong việc phát triển ngành công nghiệp văn hóa thông qua các chiến lược đầu tư dài hạn và sự phối hợp chặt chẽ giữa khu vực công và tư”, Ths Đỗ Quang Minh nói. Đặc biệt, Trung Quốc là một quốc gia đang đẩy mạnh mô hình này, với các quỹ đầu tư công văn hóa có sự tham gia của cả nhà nước và tư nhân.

Các tác giả sách Chọn cho hay chọn bỏ nhận định điểm nhấn trong quá trình xây dựng của đất nước tỷ dân chính là việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp văn hóa thành doanh nghiệp văn hóa.

Người dân chuyển từ vị trí tiêu thụ sản phẩm văn hóa sang cung cấp sản phẩm văn hóa. Nguồn vốn nhờ đó cũng được xã hội hóa tốt hơn.

Sử dụng quỹ hỗ trợ cần có chiến lược lâu dài

Những năm trở lại đây, Việt Nam đang nỗ lực xây dựng và phát triển nền công nghiệp văn hóa, các quỹ đầu tư, hỗ trợ là điều cần thiết. Dù vậy, việc thành lập thêm các quỹ mới không phải là giải pháp tối ưu. Thay vào đó, cần tập trung vào việc điều chỉnh mục tiêu và cơ chế hoạt động của các quỹ hiện có để phù hợp với mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - Việt Nam đã có khá nhiều quỹ hỗ trợ, nhưng hiệu quả hoạt động còn hạn chế. Điển hình là quỹ du lịch và quỹ điện ảnh, dù được Quốc hội cho phép hoạt động, nhưng đến nay vẫn chưa phát huy được vai trò. Nguyên nhân chính là do tư duy và cơ chế vận hành chưa hiệu quả.

Trong bối cảnh đó, vai trò của tư nhân trở nên đặc biệt quan trọng. Nguồn vốn, quỹ đầu tư tư nhân có thể mang lại nguồn lực cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa. Để thu hút được sự tham gia của tư nhân, cần có những chính sách ưu đãi về thuế và tài chính.

Tran thanh anh 3

PGS.TS Bùi Hoài Sơn phát biểu tại buổi ra mắt sách. Ảnh: Đức Huy.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh ở Mỹ, các quỹ đầu tư tư nhân trong lĩnh vực văn hóa không chỉ xuất phát từ lòng tốt, mà còn từ lợi ích kinh tế. “Các nhà đầu tư nhận thấy tiềm năng sinh lời từ các dự án văn hóa, nghệ thuật. Do đó, cần tạo ra một môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch và có tính cạnh tranh để thu hút các nhà đầu tư tư nhân”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn phát biểu.

PGS.TS Nguyễn Thị Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam - cũng cho rằng cần mở rộng chức năng của các quỹ hiện có để hỗ trợ cộng đồng sáng tạo trẻ. “Việc điều chỉnh chức năng, mục tiêu của các quỹ hiện có là một giải pháp khả thi và hiệu quả hơn”, PGS.TS Nguyễn Thị Phương nói.

Bên cạnh việc tận dụng các quỹ hiện có, việc tạo ra một môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút sự tham gia của tư nhân là điều cần thiết. Từ đó, ngành công nghiệp văn hóa có thể dần phát triển bền vững.